Thực hiện phóng sự truyền hình

Phóng sự truyền hình là gì?

Phóng sự, một thể loại của ký, là trung gian giữa văn học và báo chí. Phóng sự khác với thông tấn ở chỗ nó không chỉ đưa tin mà còn có nhiệm vụ dựng lại hiện trường cho mọi người quan sát, phán xét. Do đó, phóng sự nghiêng hẳn về phía tự sự, miêu tả, tái hiện sự thật, nhưng nội dung tự sự thường không dựa vào một cốt truyện hoàn chỉnh.

Phóng sự truyền hình là một thể tài báo chí phản ánh kịp thời các sự kiện, một vấn đề bức xúc của thời cuộc trong quá trình phát sinh, phát triển, với một quan điểm, thái độ nhất định, thông qua phương tiện biểu đạt hình ảnh và âm thanh sống động của truyền hình. Để có một bài phóng sự truyền hình tốt phải kết hợp rất nhiều yếu tố.

Cách chọn và xử lý đề tài

Nhiều người khi mới bắt đầu làm thường dễ nản và bỏ cuộc ngay từ khâu chọn đề tài. Chọn được một đề tài đã khó, chọn được đề tài hay và lạ lại càng khó hơn. Làm thế nào để tìm được đề tài? Đề tài luôn xuất hiện và không bao giờ cạn kiệt đối với người chịu quan sát và theo dõi, nắm bắt dòng chảy của cuộc sống. Đề tài có thể ở ngay quanh ta chứ không nhất thiết phải lặn lội đi tìm ở đâu xa. Có những thứ tưởng như đơn giản nhưng lại không hề giản đơn. Bản thân cái đơn giản lại chất chứa cả những câu hỏi không có hồi kết.

Đề tài có thể chính là những va vấp, trải nghiệm của bản thân người làm phóng sự. Đó cũng có thể là qua bạn bè, người thân, qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí đề tài mới và độc không hẳn là thông tin mới. Nó có thể là những thông tin đã qua nhưng được tái hiện và phân tích sâu hơn ở các khía cạnh khác nhau. Không có thông tin cũ mà chỉ có những cách nhìn cũ. Người làm phóng sự phải hết sức nhạy bén và tinh tế khi nhìn nhận mọi vấn đề.

Khi đã tìm được đề tài thì việc phân tích, xử lý đề tài là điều vô cùng cần thiết để quyết định xem đề tài có phù hợp và mang lại hiệu quả cao không. Bản thân một đề tài hay là một đề tài chứa đựng tính mâu thuẫn. Chính vì mâu thuẫn nên việc đi tìm câu trả lời để giải đáp tính mâu thuẫn ấy mới thực sự cần thiết. Ngoài ra “độc” và “lạ” cũng là những yếu tố mà các nhà báo tương lai nên xem xét trong quá trình chọn và xử lý đề tài. Cách đặt và triển khai vấn đề như thế nào cũng là điều không thể thiếu để có một phóng sự truyền hình ngắn tốt.

Cách đặt tên phóng sự:

Báo chí nói chung và phóng sự truyền hình nói riêng chỉ thực sự được chú ý khi có một cái tên gây hứng thú và nhận được sự quan tâm của độc giả. Một cái tên hay quyết định đến việc người xem có thể xem hoặc bỏ qua phóng sự của bạn. Tất nhiên tên của phóng sự không thể quyết định hoàn toàn sự thành công của sản phẩm. Tuy nhiên nó lại là tiền đề để tạo nên thành công của phóng sự đó. Có nhiều cách để đặt tên một phóng sự truyền hình gây được sự chú ý, quan tâm của mọi người. Tác giả bài phóng sự có thể đặt dưới dạng câu nghi vấn, câu khẳng định, dạng đối lập hay láy từ. Điều này sẽ gây được sự chú ý của độc giả xem truyền hình. Tên phóng sự cũng cần phải là ngôn từ dễ hiểu và gần gũi đối với người tiếp nhận. Tuyệt đối tránh dùng những ngôn từ khó hiểu, phức tạp gây sự khó chịu đối với người xem.

Khởi đầu của phóng sự truyền hình

Để bắt đầu câu chuyện cho phóng sự mỗi phóng viên cần có tính sáng tạo, sự linh hoạt, nhạy bén trong cách thể hiện. Ngay từ những hình ảnh đầu tiên, ngay phần đầu của phóng sự, phóng viên sẽ tìm ra chi tiết nào quan trọng nhất để đề cập. Muốn có chi tiết hay phóng viên cần quan sát kỹ khi tác nghiệp, hỏi chuyện cũng là cách phát hiện ra những chi tiết hay để khai thác cho phần mở đầu có ấn tượng.

Khai thác các chi tiết để có một bài phóng sự truyền hình hấp dẫn

Trong phóng sự truyền hình các “chi tiết” có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một phóng sự hay được làm nên bởi các chi tiết đắt, người xem cũng cần nó để nhớ về phóng sự. Thông thường trong một phóng sự có một vài chi tiết, chi tiết này thường được sắp đặt ở các phần, tùy thuộc vào ý đồ của tác giả để tạo hấp dẫn cho phóng sự.

Nếu thực hiện một phóng sự truyền hình, người phóng viên sẽ phải đầu tư khai thác, tìm hiểu, đi sâu vào 1 chủ đề, khai thác chi tiết thì chi tiết ấy làm nên sức sống của phóng sự. Liên quan đến việc khai thác chi tiết, trình tự sắp xếp cao trào, kịch tính của phóng sự cũng cần được chú ý theo xu hướng từ thấp đến cao.

Lời bình trong phóng sự truyền hình

Lời bình là một bài văn không hoàn chỉnh,muốn hiểu trọn vẹn cần phải xem hình ảnh và nghe âm thanh sau khi được dựng hoàn thiện. Nếu ví một phóng sự truyền hình như một cái áo thì hình ảnh chỉ là những mảnh áo trách nhiệm còn lại nằm ở người viết, họ sẽ may nó lại thành chiếc áo hoàn chỉnh.

Khi tác ngiệp phóng viên biên tập cần phối hợp tốt với quay phim, yêu cầu những cụm cảnh cơ bản, trên cơ sở đó có thể điều chỉnh tốt kịch bản với thực tế, viết lời bình tương ứng với hình ảnh mình có trong tay, tránh tình trạng thừa chữ lại thiếu hình. Theo kinh nghiệm, người viết phải hiểu được hình ảnh, còn người quay phim phải hiểu được ý đồ của người biên tập.

Để có lời bình tốt, phóng viên phải có tư duy hình ảnh tốt, lời bình cần trong sáng, dễ hiểu, giản dị, tùy từng vấn đề mà có cách viết lời bình phù hợp, sử dụng nhiều kỹ năng khi viết lời bình: hài hước, châm biếm hay nghiêm túc, so sánh, liên tưởng, gợi mở, hay viết lời bình dí dỏm, mang lại hiệu quả cao cho phóng sự. Khi viết, tránh dùng những câu từ, văn phong tỏ ra quan trọng, to tát thậm chí là gay gắt, tự cho mình là quan tòa phán xét sự việc.

Kết cho phóng sự truyền hình

Có cách kết thúc mở và đóng, nhưng thông thường phóng viên hay sử dụng kết mở cho phóng sự.

Kết thúc mở nghĩa là việc khép lại phóng sự không phải là chốt vấn đề đã xong mà mở ra hướng giải quyết mới, gợi ra sự suy ngẫm của người xem. Cách kết thúc mở vẫn thường được ưa dùng hơn. Mục đích là  để nhắc lại sự việc đã nêu ở phần mở đầu.  Lưu ý, phần kết phóng viên không nên nêu giải pháp, vì  đây là chuyện của các nhà quản lý. Phóng viên chỉ làm phận sự của mình là nêu vấn đề, gợi mở thông điệp của mình phát hiện trước dư luận mà thôi. Cái kết của phóng sự truyền hình phải nêu lên được thôn điệp mà cả bài phóng sự muốn truyền tải đến người xem.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Hotline: 0984771144Facebook MessengerZalo: 0984771144
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x