Quản trị truyền thông (QTTT) có vẻ bao quát nhưng thật ra đây là chương trình học QTKD áp dụng trong các ngành kinh tế truyền thông, một lĩnh vực vẫn chưa phát triển chuyên nghiệp ở Việt Nam. QTTT cũng là môn thuộc ngành khoa học xã hội, phân tích những xu hướng, dự đoán những kết quả, tư vấn đưa ra các giải pháp cho các nhà lãnh đạo của tổ chức và thực hiện các chương trình hành động để phục vụ quyền lợi của cả tổ chức và công chúng như: Truyền thông tập đoàn, phân tích hành vi tổ chức; truyền thông tiếp thị; truyền thông văn hóa và xã hội; kinh tế học truyền thông; tài chính truyền thông; phương pháp nghiên cứu truyền thông,…
Sự bùng nổ các phương tiện truyền thông trong thời đại thông tin toàn cầu đang đặt ra bài toán phải nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ các nhà QTTT và các chuyên gia. Nhà quản trị chuyên nghiệp phải có khả năng phân tích rộng áp dụng trong ngành CNTT – truyền thông về các vấn đề ảnh hưởng đến công việc và xây dựng một tư duy chiến lược làm nền tảng vững chắc trong các lĩnh vực kinh doanh truyền thông, ứng phó sáng tạo và thực tiễn trong môi trường truyền thông địa phương và toàn cầu. Với sự chuyển đổi nhanh chóng từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, Việt Nam đã thấy được sự gia tăng đột biến nhu cầu về dịch vụ truyền thông và dịch vụ liên quan đến truyền thông trong vòng hơn 20 năm qua. Công nghệ mới, đặc biệt là mạng Internet đang tạo ra những dịch vụ truyền thông mới. Trong xu hướng Marketing hiện đại, các hình thức Marketing kết nối (Internet Marketing, Network Marketing, Viral Marketing, Word-of-Mouth,…) lại càng kết hợp chặt chẽ với CNTT, nhằm xây dựng sự liên kết giữa người tiêu dùng với nhau và với cỗ máy truyền thông Marketing nhằm tạo ra những làn sóng thông tin về thương hiệu, sản phẩm hay dịch vụ, rồi từ đó tác động lên lượng cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhu cầu về các hoạt động kinh tế dựa trên truyền thông như quảng cáo, PR, xây dựng thương hiệu, tiếp thị, truyền thông tập đoàn trong xã hội đang tăng mạnh. Theo một cuộc khảo sát thị trường gần đây, Việt Nam hiện có hàng trăm DN hoạt động trong lĩnh vực PR và quảng cáo, với mức tăng trưởng hằng năm đạt khoảng 30%. Khoảng 2/3 công ty quốc doanh và hơn 3/4 công ty tư nhân trong cuộc khảo sát này đã sử dụng các dịch vụ PR. Nhu cầu về nhân lực truyền thông cần được qua đào tạo chuyên nghiệp vì thế đang tăng lên.
Với những xu hướng toàn cầu hóa tất yếu sau khi Việt Nam gia nhập WTO, yêu cầu về khả năng tư duy và phương pháp truyền thông cũng như QTTT ngày càng trở nên cần thiết cho khả năng cạnh tranh địa phương và toàn cầu của giới truyền thông Việt Nam. Sự thiếu chuyên nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động công nghiệp truyền thông mà cả quá trình phát triển kinh tế xã hội quốc gia về lâu dài. Theo TS. Nguyễn Đức An GĐ chương trình Thạc sĩ QTTT do ĐH Stirling phối hợp với ĐHKT Đà Nẵng khẳng định: “Trong những năm tới, các cơ quan thông tin-truyền thông và giới cung cấp các dịch vụ truyền thông trong nước sẽ phải đầu tư một cách đáng kể vào việc đào tạo chính quy cho đội ngũ bởi họ cần phải trở nên chuyên nghiệp hơn để có thể cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với các dịch vụ thông tin-truyền thông nước ngoài.”
QTTT thực chất chính là QTKD nhưng được đào tạo chuyên sâu vào quản trị lĩnh vực truyền thông. QTTT có một sự liên kết từ quản trị đến CNTT và truyền thông. Theo đó nó thích hợp không chỉ cho những người đang làm việc trong các cơ quan thông tin-truyền thông mà còn cho tất cả các DN kinh doanh dịch vụ quảng bá trên các phương tiện truyền thông, cũng như các chuyên viên phụ trách tiếp thị, quảng cáo, giao tế cộng đồng, tổ chức sự kiện, xây dựng thương hiệu,… tại các doanh nghiệp và tổ chức bên ngoài lĩnh vực truyền thông.
Đây chính là chuyên ngành mới của ĐH Văn Hiến bắt đầu mở từ năm 2011 sau khi VTC trở thành nhà đầu tư chiến lược. Ngoài những bộ môn quản trị tài chính, quản trị nhân lực, quản trị hoạt động,… SV sẽ được bổ sung thêm các kiến thức về truyền thông, đặc biệt là truyền thông hiện đại, gắn với CNTT và các phương tiện truyền thông số. Việc đào tạo sâu vào lĩnh vực chuyên ngành nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của chính DN chủ quản là hướng đi của các trường ĐH tư thục, có gắn với DN. Ví dụ điển hình, tập đoàn FPT đã mở ĐH FPT, tập trung vào đào tạo CNTT và gần đây mở thêm QTKD. Việc mở ĐH FPT xuất phát từ thực tế phải chi phí rất nhiều cho việc đào tạo lại nhân lực sau khi tuyển dụng. Tuy nhiên, ĐH FPT chỉ dừng ở chuyên ngành CNTT và QTKD thông thường. Khi VTC đầu tư vào ĐH Văn Hiến, VTC đã tạo sự khác biệt bằng việc tập trung đào tạo chuyên sâu vào lĩnh vực thế mạnh của mình: QTTT và Công nghệ nội dung số. Đây là thế mạnh của VTC. Vừa qua, để vươn lên vị trí hàng đầu về truyền thông đa phương tiện, VTC đã phải chi phí rất nhiều, đưa ra mức lương hấp dẫn để “cầu hiền” các nhà QTTT có tên tuổi, giàu kinh nghiệm cũng như các chuyên gia đầu ngành về Công nghệ nội dung số. VTC đã mời nhiều chuyên gia nước ngoài về đào tạo nhằm nâng cao năng lực cán bộ của mình. VTC quyết định đầu tư vào ĐH Văn Hiến để mở ra 2 chuyên ngành này, đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho sự phát triển của Tập đoàn và của toàn xã hội. Các chương trình đào tạo này được thiết kế dựa trên giáo trình của những trường ĐH quốc tế hàng đầu, nơi đã từng đào tạo cho các đối tác của VTC. VTC muốn kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, đảm bảo SV khi ra trường có thể bắt tay vào làm được việc ngay. SV của ĐH Văn Hiến sẽ được đi thực tập ở 1 trong 10 Công ty con ở nước ngoài của VTC để mở rộng tầm nhìn ra thế giới.
Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành PTTH, hiện nay VOV college mới chỉ có các ngành báo chí PTTH, CNKT PTTH, CNTT truyền thông mà chưa có ngành QTTT là chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành PTTH nói riêng và truyền thông nước nhà nói chung. Trước nhu cầu của ngành và của xã hội, từ năm 2012 trường đã có định hướng mở thêm ngành Quản Trị Kinh Doanh Truyền Thông. ÔngKim Ngọc Anh (hiệu trưởng VOV college) nhấn mạnh: “Quản trị hiệu quả luôn là mục tiêu hướng tới của mọi cơ quan và tổ chức. Ngành truyền thông bị ảnh hưởng trực tiếp của sự bùng nổ khoa học công nghệ nên đang có những thay đổi mạnh mẽ, quản trị nó như thế nào cho hiệu quả và không bị động trước sự phát triển của kinh tế-xã hội và của chính ngành này đang là một nhu cầu tự thân của ngành truyền thông. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu xin phép cơ quan chủ quản và Bộ GD&ĐT mở thêm ngành này”.
Ngành QTKD Truyền Thông sẽ giúp HSSV có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Đặc biệt, HSSV sau khi tốt nghiệp sẽ có nhiều ưu thế khi tham gia thị trường lao động với trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hành cao, có thể vận dụng các kiến thức và kỹ năng về truyền thông, quản trị, sáng tạo, kinh doanh và tiếp thị nhằm tiếp cận kịp thời sự phát triển của kỹ thuật truyền thông nói chung và kỹ thuật PTTH nói riêng với các mục tiêu giáo dục cụ thể như sau:
– Nắm vững các thể loại sản phẩm truyền thông (phát thanh, truyền hình, điện ảnh, new media) và qui trình sản xuất và có khả năng quản trị sản xuất các sản phẩm truyền thông xuyên suốt các giai đoạn của qui trình sản xuất.
– Có khả năng QTKD sản phẩm truyền thông: Nghiên cứu thị hiếu khán thính giả, lập kế hoạch truyền thông, marketing và triển khai hiệu quả kế hoạch kinh doanh sản phẩm truyền thông (chương trình, phim ảnh, nội dung Multi-media,…) qua các phương tiện hiện đại.
– Có các kỹ năng mềm: Khả năng giao tiếp, trình bày tốt, sử dụng tốt tiếng Anh, có các kỹ năng quản lý dự án, quản trị các nguồn lực (con người, tài chính, thời gian,…), kỹ năng làm việc trong tổ chức,… dễ dàng làm được việc tại doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tuy đây mới chỉ là những tín hiệu nhỏ về sự biến chuyển của công tác đào tạo trong lĩnh vực mới mẻ này, nhưng điều đó cũng dần xác lập những hướng đi chuyên nghiệp trong tương lai của ngành Công nghệ truyền thông kết hợp với QTKD nói riêng và giáo dục nói chung.
Subscribe
Login
0 Comments