Trong khuôn khổ Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 25, lần đầu tiên vấn đề xã hội hóa chương trình truyền hình (XHHCTTH) được đưa ra bàn bạc trong một cuộc hội thảo ngày 5/1/2006.
06Ông Trần Đăng Tuấn – Phó Tổng GĐ Đài Truyền hình (ĐTH) Việt Nam (VTV) cho rằng, có lẽ trong thời gian không xa nữa, XHHCTTH sẽ là vấn đề quan trọng nhất của phương thức phát triển truyền hình.
Quan niệm một cách đơn giản, XHHCTTH là sự tham gia vào quá trình sản xuất chương trình truyền hình (CTTH) của đối tác ở ngoài đài TH, ngoài ngành TH.
Từ năm 2000, VTV có thêm nhiều CTTH thu hút được nhiều khán giả, vì đã XHH một phần các CTTH. Phương thức XHHCTTH của VTV là thuê sản xuất 1 phần hoặc toàn bộ một CTTH, mua hoặc trao đổi bản quyền phát sóng CTTH, cho đối tác thuê sóng để phát chương trình của họ… Điện ảnh chiều thứ Bảy và một số chương trình giải trí (games show) của VTV 3 như Chiếc nón kỳ diệu, Hãy chọn giá đúng… chính là những CTTH đã có XHH. XHHCTTH là một nhu cầu, một xu hướng tất yếu.
Sự XHHCTTH có thể phát triển đến mức sẽ có những doanh nghiệp được lập ra chỉ để sản xuất các CTTH. Ông Trần Đăng Tuấn dẫn chứng, trái ngược với nước ta “đi vài chục cây số lại gặp một ĐTH”, ở Đức có rất ít ĐTH, nhưng lại có hàng ngàn Cty sản xuất CTTH.
Để XHHCTTH đạt hiệu quả, ĐTH phải có tiền. Nhưng vấn đề bản chất của XHHCTTH không là tiền, mà là huy động chất xám, trí tuệ. Biên chế của ĐTH đóng vai trò thu hút năng lực sáng tạo từ mọi nguồn khác. Mô hình khép kín, tự làm từ A đến Z đã lạc hậu.
VTV có hơn 1.400 người trong biên chế và 2.500 người thường xuyên làm việc, nhưng vẫn làm không xuể việc nếu không XHHCTTH. XHHCTTH còn tác động tích cực vào việc khắc phục sự thụ động, ỉ lại khiến có tình trạng “thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa” người trong các ĐTH.
Ông Trần Văn úy – Phó GĐ Trung tâm Quảng cáo- Dịch vụ của VTV nhận định, khi giờ phát sóng được đấu thầu, CTTH có chất lượng tốt sẽ có nhiều cơ hội chiếm “giờ vàng”. Do vậy, sự tiêu cực “xin – cho” sẽ bị loại bỏ. Nhưng XHH có dễ bị thương mại hoá?
Các Cty sản xuất CTTH thường hợp tác với Cty quảng cáo, hoặc chính là Cty quảng cáo, họ có xu hướng làm ra sản phẩm chạy theo thị hiếu, thị trường. Nhưng ĐTH có quyền quyết định cuối cùng về việc phát sóng, có khả năng kiểm soát được nội dung.
Nói về điều này, ông Đỗ Kim Cuông – Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương cho rằng, một số hãng phim tư nhân hiện nay còn cẩn trọng, chỉn chu, kỹ lưỡng về nội dung hơn cả một số đơn vị nhà nước. Ông đánh giá, VTV, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) và một số ĐTH khác đã thực hiện XHHCTTH theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về XHH các hoạt động văn hóa.
Tuy nhiên, chưa phải tất cả các GĐ của 64 Đài PT – TH trong cả nước đã nhận thức đầy đủ, từ đó dám bắt tay vào việc XHHCTTH. Có thể thấy sự đúng đắn trong nhận xét của ông Đỗ Kim Cuông ngay qua không khí hội thảo. Ngay ban đầu, cử toạ đã không đông, sau đó cứ thưa dần thêm. Chỉ có duy nhất đạo diễn Đinh Đức Liêm của Hãng phim truyền hình TP. Hồ Chí Minh (TFS) phát biểu thảo luận.
Theo đạo diễn Đinh Đức Liêm, XHHCTTH chưa thành công là do cách sử dụng nhân tài, vật lực còn bất cập, trong đó có sự đãi ngộ chưa xứng đáng, làm giảm ham muốn sáng tạo của những người làm truyền hình.
Kết luận hội thảo, ông Đỗ Kim Cuông đề nghị VTV sớm lập đề án XHHCTTH để định hướng cho các Trung tâm trực thuộc và các đài địa phương. Trên cơ sở đó, Vụ Văn nghệ, Ban TT – VH Trung ương sẽ có những chỉ đạo để thúc đẩy tiến trình XHHCTTH, đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân.