Xã hội hóa (XHH) sản xuất các chương trình truyền hình xuất hiện ở Việt Nam và được bàn luận từ khi có một số chương trình Game show, phim truyện ra đời do các công ty quảng cáo, truyền thông phối hợp sản xuất với các đài truyền hình trong cả nước nhằm mục đích đa dạng hóa các chương trình truyền hình, đáp ứng nhu cầu phong phú của công chúng, tiết kiệm được chi phí trong hoạt động truyền hình. Trong quá trình vận động và phát triển, hệ thống các đài phát thanh, truyền hình địa phương không nằm ngoài xu thế này.
1. Vài nét về xã hội hóa sản xuất các chương trình truyền hình
Trên thế giới, quá trình XHH sản suất các chương trình truyền hình đã diễn ra cách đây hàng chục năm. Còn ở Việt Nam, quá trình này diễn ra muộn hơn nhưng hiện đang phát triển một cách mạnh mẽ trong toàn hệ thống các đài truyền hình cả nước.
Xã hội hóa là huy động nguồn lực của cả xã hội vào một lĩnh vực, một hoạt động nào đó, mà trước kia chỉ có các đơn vị Nhà nước tham gia. Xã hội hóa sản xuất các chương trình của đài truyền hình là việc huy động các nguồn (nguồn lực sáng tạo và nguồn lực vật chất) từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân ngoài đài truyền hình tham gia vào quá trình sản xuất các chương trình truyền hình nhằm giảm bớt áp lực cho các đài truyền hình cả về nhân lực và các phương tiện kỹ thuật trong hoạt động truyền hình. Cách làm này khác với phương thức chỉ dựa vào nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, ngân sách của bản thân các đài truyền hình để thực hiện sản xuất các chương trình truyền hình.
Nhìn từ phương diện thực tế, các đơn vị như: Đài Truyền hình Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh…nhờ đẩy mạnh công tác XHH mà đã tự cân đối được kinh phí cho toàn bộ hoạt động của mình. Nói cách khác, việc XHH sản xuất các chương trình truyền hình đã tăng thêm sức sống, tính đa dạng, phong phú về nội dung các chương trình truyền hình. Đây có thể coi là một tư duy mới, một cách nhìn mới của những người làm truyền hình nước ta hiện nay.
2. Xã hội hóa sản xuất các chương trình truyền hình đối với các đài phát thanh truyền hình địa phương
Truyền hình là một loại hình truyền thông đòi hỏi chi phí rất cao, hiện nay với nguồn kinh phí còn khiêm tốn được phân bổ từ nguồn ngân sách, diện phủ sóng và nguồn thu quảng cáo hạn chế, cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật còn thiếu và không đồng bộ nhưng phải liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung chương trình, tăng thời lượng phát sóng… là bài toán khó đối với các đài phát thanh, truyền hình địa phương. Việc thu hút các nguồn lực bên ngoài là một trong những giải pháp phù hợp trong quá trình vận động và phát triển hiện nay.
Xã hội hóa về nguồn nhân lực và phương tiện kỹ thuật: Thực chất là huy động sự đóng góp năng lực chất xám ngoài xã hội trong việc sản xuất các chương trình, hay nói cách khác là xã hội hoá nguồn tin, bài từ đội ngũ cộng tác viên để xây dựng nội dung chương trình truyền hình. Thông qua nguồn tin, bài của cộng tác viên đã góp phần làm cho chương trình truyền hình của các Đài ngày càng hấp dẫn bổ ích, làm tăng yếu tố đại chúng, góp phần tích cực phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trên thực tế, việc tích cực khai thác nguồn tin, bài có chất lượng của đội ngũ cộng tác viên đã phản ánh khuynh hướng thu hút nguồn nhân lực của các đài truyền hình hiện nay. Phương án này đã tiết kiệm được cho nhà Đài một khoản kinh phí không nhỏ nhờ cắt giảm các khoản đầu tư dành cho việc đi lại của phóng viên, vận chuyển máy móc thiết bị tới nơi xảy ra sự kiện.
Xã hội hóa nguồn nhân lực còn thể hiện ở chỗ thu hút, tập hợp một lực lượng lao động có nghiệp vụ chuyên môn báo chí và nguồn lực trí tuệ từ ngoài xã hội như các học giả, các chuyên gia tâm lý, kinh tế, xã hội học tham gia vào công việc làm báo thông qua các chương trình đối thoại, tư vấn…, từ đó làm tăng tính đa dạng, phong phú nội dung chương trình. Việc đặt hàng trọn gói, hoặc giao khoán, trao đổi một công đoạn nào đó với một đơn vị ngoài Đài trong quy trình sản xuất chương trình truyền hình cũng là giải pháp hiệu quả để tăng sự hấp dẫn của kênh sóng mỗi Đài, trong khi các điều kiện như nguồn nhân lực, trang thiết bị, kinh phí còn eo hẹp hiện nay.
Xã hội hóa về nội dung chương trình truyền hình: Nhờ vào công tác XHH nội dung chương trình truyền hình mà đông đảo các tầng lớp công chúng được bổ sung, cập nhật kiến thức khoa học, vốn tri thức văn hóa thông qua các chương trình giải trí, khoa giáo do các đơn vị bên ngoài Đài cung cấp với chất lượng tiêu chuẩn để phát sóng.Cũng nhờ phương thức này mà một số đài truyền hình địa phương đã xây dựng được những sân chơi đa dạng phục vụ nhiều đối tượng khác nhau như Đậm đà khúc hát dân ca, hát đối Quan họ…của Đài Phát thanh – Truyền hình Bắc Ninh, thu hút sự quan tâm và ủng hộ của khán giả.
XHH nội dung truyền hình còn làm gia tăng các thiết bị hỗ trợ như điện thoại, qua e-mail hoặc tin nhắn thông qua việc ký kết hợp đồng cùng khai thác các dịch vụ trên truyền hình với các đơn vị truyền thông bên ngoài Đài. Bằng hình thức trao đổi phim, các chương trình giải trí, những Game show hấp dẫn, hay liên kết, hợp tác, phối hợp sản xuất chương trình giữa các đài phát thanh, truyền hình địa phương với nhau mà các nhà Đài có cơ hội khai thác thêm được đề tài, nội dung mới thu hút người xem nhưng lại tiết kiệm được chi phí trong quá trình sản xuất chương trình.
Xã hội hóa nguồn kinh phí hoạt động truyền hình: Hoạt động trong cơ chế thị trường, sản phẩm báo chí nói chung và sản phẩm truyền hình nói riêng đã trở thành hàng hóa – dịch vụ đặc biệt. Thực tế hiện nay kinh phí từ quảng cáo và các nguồn tài trợ trong xã hội là những đóng góp cơ bản cho sự phát triển đối với các đài truyền hình cả nước nói chung, đài phát thanh, truyền hình địa phương nói riêng. Cùng với sự nỗ lực của các đài truyền hình, trong nhiều năm qua, hoạt động quảng cáo và tài trợ đã nuôi sống nhiều chương trình truyền hình, đặc biệt là các chương trình phim truyện, hoặc Game show.Nếu không có quảng cáo và tài trợ, các đài truyền hình địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, sức hấp dẫn chương trình cũng sẽ bị hạn chế.
Đón đầu xu hướng XHH sản xuất các chương trình truyền hình, các công ty truyền thông đã mạnh dạn đầu tư, năng động trong cơ cấu và hoạt động, nhiều đơn vị đã ký kết hợp đồng với các nhà Đài, kêu gọi tài trợ để tạo nguồn kinh phí sản xuất các chương trình truyền hình, nhờ vậy nhiều chương trình phát sóng mà không cần phải huy động kinh phí ngân sách của các đài. Cách làm này được coi là phù hợp, bởi tăng thời lượng chương trình tự sản xuất để đáp ứng được yêu cầu và điều kiện phát sóng quảng bá trực tiếp các kênh truyền hình địa phương trên vệ tinh theo quy định của Bộ Thông tin và truyền thông là vấn đề khá nan giải đối với điều kiện thực tiễn về nguồn nhân lực, kinh phí và phương tiện kỹ thuật của các đài truyền hình địa phương hiện nay.
3. Những cơ hội và thách thức
Xã hội càng phát triển, nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng càng cao, đòi hỏi truyền hình phải không ngừng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, đa dạng, phong phú về cách thức thể hiện. XHH sản xuất các chương trình truyền hình là một xu thế tất yếu trong lộ trình phát triển của các đài phát thanh, truyền hình địa phương trong điều kiện hiện nay. Thu hút được nguồn lực XHH sẽ giúp cho các đài truyền hình địa phương giảm tải nguồn kinh phí, tăng thêm nguồn lực cả vật chất, phương tiện và nhân lực trong quá trình sản xuất các chương trình truyền hình.
Để đảm bảo được mục tiêu đi đúng định hướng chính trị của Đảng, vừa phải góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, thực hiện nghĩa vụ kinh doanh để tồn tại và phát triển sự nghiệp truyền hình, các cơ quan báo chí địa phương nói chung, đài phát thanh, truyền hình địa phương nói riêng cần tăng cường quản lý nội dung chương trình thông qua công tác kiểm duyệt trước khi lên sóng. Làm tốt khâu kiểm duyệt, đặc biệt ở các chương trình giải trí, Game show sẽ hạn chế được nguy cơ lai tạp văn hóa, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức truyền thống dân tộc, bởi nếu không tỉnh táo để biết đâu là giới hạn thì truyền hình sẽ rơi vào xu hướng thương mại hóa, chỉ chạy theo lợi nhuận kinh tế mà xa rời nguyên tắc tính nhân dân của báo chí.
Mặt khác, cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất chương trình một cách khoa học và cụ thể, tránh tình trạng quá lệ thuộc vào nguồn cung cấp chương trình của các đơn vị truyền thông bên ngoài mà rơi vào thế bị động, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của chương trình. Đối với nguồn nhân lực, cần đặc biệt quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ cộng tác viên, hạn chế tình trạng nghiệp dư hoá truyền hình do mặt trái của quá trình xã hội hoá nguồn nhân lực mang lại.
Xu hướng XHH truyền hình đang tạo ra những cơ hội và thách thức lớn đối với hoạt động của các đài truyền hình địa phương, đòi hỏi các cơ quan lãnh đạo, quản lý và những người làm báo phải có những bước đi nhanh chóng, nhạy bén và đúng hướng. Trong bối cảnh hội nhập, phát triển hiện nay, các đài phát thanh, truyền hình địa phương cần phải có những thay đổi – trước hết là thay đổi trong nhận thức và tư duy về xu hướng có tính quy luật này, từ đó xây dựng những giải pháp cụ thể để thích ứng, vận dụng và phát triển.
Nguyễn Tiến Vụ, Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh