Hiện nay, thông qua thanh toán điện tử nói riêng và thanh toán trực tuyến trong môi trường Internet nói chung khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ tiện ích như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn và mua hàng trực tuyến một cách nhanh chóng bằng một cái click chuột. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng và điểm chấp nhận của các ngân hàng tại Việt Nam chưa đồng nhất nên việc thanh toán điện tử còn nhiều hạn chế.
Hiện các hình thức thanh toán điện tử phổ biến gồm: Thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM,…), trên Internet thông qua tài khoản mở tại ngân hàng, thông qua điện thoại di động và thanh toán thông qua một mạng lưới mà các thành viên tham gia cùng chấp nhận một nguyên tắc chung như hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, trong nước là hệ thống CITAD… Dựa vào chủ thể tham gia, có thể phân chia thương mại điện tử ra các loại hình sau:
+ Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp – B2B (business to business).
+ Giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng – B2C (business to consumer).
+ Giao dịch giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước – B2G (business to government).
+ Giao dịch trực tiếp giữa các người tiêu dùng với nhau – C2C (consumer to consumer).
+ Giao dịch giữa cơ quan nhà nước với cá nhân – G2C (government to consumer).
Sự khác nhau dễ nhận biết nhất giữa thanh toán điện tử và thanh toán truyền thống là thông qua các phương tiện điện tử, loại bỏ hầu hết việc giao nhận giấy tờ và việc ký truyền thống thay vào đó là các phương pháp xác thực mới. Dùng phương pháp mới này ngân hàng sẽ xác nhận đúng khách hàng có quyền ra lệnh thanh toán mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Lợi ích lớn nhất cho ngân hàng là sự tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch (ngân hàng và khách hàng). Các giao dịch qua kênh điện tử có chi phí vận hành rất thấp. Chi phí chủ yếu là đầu tư ban đầu, trong điều kiện công nghệ phát triển nhanh như hiện nay chi phí đầu tư cũng giảm đáng kể. Doanh nghiệp không cần phải đầu tư nhân sự, địa điểm và các chi phí lưu chuyển hồ sơ cho việc giao dịch.
Giao dịch bằng phương tiện điện tử nhanh hơn so với phương pháp truyền thống. Thông thường giao dịch tại quầy cho một khách hàng chuyển tiền mất khoảng 15 phút, không kể thời gian đi lại và chờ đợi nhưng giao dịch trên Internet, Mobile hoặc qua hệ thống thẻ chỉ qua một vài thao tác đơn giản trong một vài phút.
Với thanh toán điện tử, các bên có thể tiến hành giao dịch khi ở cách xa nhau, không bị giới hạn bởi không gian địa lý. Với người tiêu dùng, họ có thể ngồi tại nhà để đặt hàng, mua sắm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ nhanh chóng. Việc không phải mang theo nhiều tiền mặt, giảm thiểu rủi ro mất tiền, tiền giả, nhầm lẫn… sẽ giảm bớt được việc thiếu minh bạch so với giao dịch bằng tiền mặt.
Bên cạnh những lợi ích trên thanh toán điện tử còn bị phụ thuộc vào các yếu tố sau:
– Tập quán tiêu dùng, nhận thức về thanh toán điện tử là một trở ngại lớn khi xã hội Việt Nam có một thói quen lâu đời là sử dụng tiền mặt.
– Cơ sở hạ tầng, điểm chấp nhận thanh toán là yếu tố quyết định đến sự thành công của thanh toán điện tử. Ở Việt Nam cơ sở hạ tầng còn đầu tư theo từng dự án, từng doanh nghiệp, ngân hàng thiếu tính đồng bộ và thống nhất. Điểm chấp nhận thanh toán còn ít do vậy tại một số nơi người tiêu dùng không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng tiền mặt.
– Lo ngại về sự an toàn trong giao dịch cũng là một trở ngại, từ chỗ lo ngại dẫn đến việc không tiếp cận do vậy không thấy được lợi ích của thanh toán điện tử.
Mặc dù luật giao dịch điện tử đã có hiệu lực từ ngày 01/03/2006 tuy nhiên còn nhiều vấn đề liên quan đến yếu tố công nghệ vẫn chưa được đề cập chi tiết như tội phạm công nghệ, tranh chấp qua giao dịch điện tử. Ngày nay công nghệ đã phát triển và cung cấp nhiều phương pháp bảo mật, xác thực rất tin cậy, ví dụ như các thiết bị sinh trắc học, các thiết bị đồng bộ thời gian sử dụng thuật toán để sinh ra mật mã chỉ dùng một lần (one time password), các phương thức mã hóa công cộng (PKI). Ngoài ra, các thiết bị phần cứng chống đột nhập, các phần mềm thông minh cũng giúp các doanh nghiệp và tổ chức kiểm soát và ngăn chặn những giao dịch bất hợp pháp.
Tuy nhiên sử dụng các hình thức thanh toán điện tử người dùng cũng cần nâng cao nhận thức về việc bảo quản các mật mã, thiết bị bảo mật, thẻ… Đồng thời không tham gia giao dịch với những tổ chức, cá nhân không rõ danh tính. Ngoài ra, vẫn tồn tại các hình thức lừa đảo xuất hiện trên Internet thông qua các website nhằm thu thập thông tin bí mật của khách hàng hoặc lừa đảo khách hàng chuyển tiền tới tài khoản của họ.
Tương lai của thanh toán điện tử tại Việt Nam:
Những lợi ích mà thanh toán điện tử mang lại cũng là xu thế tất yếu. Vì vậy, cùng với thương mại điện tử, thanh toán điện tử góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để thu được nhiều lợi ích nhất. Điều này quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Chẳng hạn như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng CITAD, từ chỗ hoàn toàn thanh toán bù trừ với nhau thông qua NHNN giao dịch thường mất cả ngày, CITAD đã làm thay đổi tất cả. Hiện nay các ngân hàng không thể canh tranh trong dịch vụ thanh toán liên ngân hàng nếu không có CITAD, giao dịch bù trừ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Theo thống kê của Cục Nghiệp vụ Tin học Ngân hàng, số lượng lệnh thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng năm 2007 đã tăng 40% so với năm 2006, tổng số tiền gian dịch cũng lớn gấp 2 lần (tăng 107%). Bình quân mỗi ngày hệ thống thực hiện từ 35.000 đến 45.000 lệnh thanh toán, thời gian thực hiện mỗi lệnh là 10 giây.
Nên chăng chúng ta cần xem xét và xác định thanh toán điện tử là một trong những chiến lược của Agribank?. Thừa hưởng những thế mạnh công nghệ hiện có của Agribank (đường trục Bắc Nam, mạng lưới giao dịch, hạ tầng triển khai IPCAS2,…) để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, phần mềm chuyên dụng với những giải pháp tiên tiến cùng với đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm nhằm phát triển ra những sản phẩm giản đơn, thân thiện, dễ dàng tiếp cận, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.