Dựng phim là gì? Nghề dựng phim cần có những tố chất gì là điều mà nhiều bạn băn khoăn khi muốn tiến thân vào lĩnh vực này. Dựng phim là công việc không hề dễ dàng nhưng cũng không quá khó khăn nếu bạn thực sự đam mê và chăm chỉ học hỏi về kĩ thuật, nghệ thuật dựng phim.
Dựng phim là gì?
Để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “dựng phim là gì?”, chúng ta nên bắt đầu từ lịch sử của ngành dựng phim. Vào thời kì đầu khi những thước phim lần đầu tiên xuất hiện, thời lượng phim cực ngắn và không hề có tác động của bộ phận làm công tác hậu kì – dựng phim. Công việc dựng phim chỉ xuất hiện khi nội dung phim được đầy đủ hơn, có sự chuyển biến, nối tiếp các hành động trong phim.
Tuy nhiên, trong buổi bình minh của kĩ thuật dựng phim, không hề có một phần mềm nào hỗ trợ con người thực hiện cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh. Người dựng phim tự cắt từng đoạn phim và gắn kết chúng lại bằng keo dính. Chính vì thế, để hoàn thành một bộ phim, con người tạo ra những dải phim có độ dài đến hàng ngàn mét.
Ngày nay, cách dựng phim đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều khi có sự hỗ trợ của các phần mềm dựng phim. Con người hoàn toàn có khả năng sáng tạo những bộ phim chất lượng cao bằng các yếu tố về kĩ thuật, công nghệ hiện đại. Vậy thực chất nghề dựng phim là gì?
Dựng phim là công việc cuối cùng trong quá trình sản xuất phim, còn được gọi là khâu hậu kì. Dựng phim là hoạt động cắt ghép và kết nối các đoạn phim, xâu chuỗi các đoạn phim trở thành một bộ phim hoàn chỉnh. Người dựng phim phải biết loại bỏ những đoạn phim, hình ảnh không cần thiết, biết ứng dụng kĩ xảo dựng phim để tăng tính sáng tạo và làm nổi bật nội dung phim.
Tuy nhiên, dựng phim không phải là công việc cắt ghép hình ảnh đơn thuần mà nó còn đòi hỏi yếu tố tư duy, nghệ thuật cao. Người dựng phim cần kết nối đoạn phim một cách logic, hợp lý, đồng thời hiểu biết về nghệ thuật điện ảnh, âm thanh trong phim để hoàn thành công việc theo yêu cầu.
Những kĩ năng, tố chất người dựng phim cần có
1 Kiến thức ngành điện ảnh, truyền hình và công nghệ sản xuất phimg
Người dựng phim cần nắm bắt những kiến thức cơ bản nhất về công nghệ sản xuất điện ảnh; kĩ thuật ánh sáng và âm thanh trong truyền hình; các công đoạn trong quá trình làm phim; Kĩ thuật và thiết bị dựng phim. Đây là kiến thức cơ bản nhất, nền tảng nhất trước khi bạn bước chân vào nghề.
2 Kiến thức về phần mềm dựng phim
Hiện nay, có đa dạng các phần mềm dựng phim từ cơ bản đến chuyên nghiệp. Nếu muốn trở thành một mắt xích quan trọng trong quá trình làm phim, bạn phải học hỏi, tìm kiếm về tất cả các phần mềm dựng phim. Mỗi phần mềm dựng phim đều có thế mạnh, ưu điểm riêng của nó. Bạn nên vận dụng linh hoạt các phần mềm vào từng trường hợp cụ thể.
Đặc biệt, qua thời gian, các phần mềm làm phim luôn được cải tiến với những phiên bản chất lượng hơn, đa năng hơn. Nhiệm vụ của người dựng phim là phải cập nhật các phần mềm ứng dụng công nghệ cao để phục vụ công việc của mình.
3 Kiến thức nghề nhiếp ảnh
Dựng phim là gì? Tại sao người dựng phim lại cần kiến thức của ngành nhiếp ảnh? Hầu hết những người dựng phim đều phải nắm chắc kiến thức của một cameraman. Muốn cắt ghép từng đoạn phim, bạn phải có kĩ năng phân tích hình ảnh, góc máy, bối cảnh, bố cục, màu sắc, không gian để xác định tính hợp lý, tính nghệ thuật của mỗi cảnh quay. Từ đó, người dựng phim mới có thể chỉnh sửa và sáng tạo nên một bộ phim logic, khoa học, đúng hướng kịch bản và đảm bảo yếu tố nghệ thuật.
4 Kĩ năng làm việc nhóm và khả năng làm việc độc lập
Tùy vào những môi trường khác nhau, người dựng phim có thể làm việc cá nhân hoặc làm việc nhóm. Đối với những bộ phim dài, kĩ thuật phức tạp và đòi hỏi nhanh về yếu tố thời gian, phải có đội ngũ dựng phim làm việc kết hợp cùng nhau. Kĩ năng làm việc nhóm yêu cầu sự phối hợp, sự phân chia công việc khoa học, hợp lý. Nhưng đôi khi, người dựng phim cũng cần làm việc độc lập. Chính vì vậy, họ phải là người thực sự chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về ngành dựng phim để có khả năng một mình đảm đương trách nhiệm hoàn thành khâu hậu kì.
Kĩ năng làm việc nhóm của người dựng phim còn thể hiện ở sự kết hợp nhuần nhuyễn với biên kịch, đạo diễn, quay phim. Người dựng phim luôn được khuyến khích theo sát mọi hoạt động của đoàn làm phim để có cái nhìn tổng quan, cụ thể nhất về nội dung phim. Từ đó, quá trình dựng phim mới phát huy hiệu quả.
5 Sự kiên trì, tỉ mỉ và chuyên nghiệp
Trong những kĩ năng mà người dựng phim cần có thì yêu cầu về tính tỉ mỉ, sự kiên trì luôn được nêu cao. Dựng phim không phải công việc đơn giản, thậm chí còn rất áp lực về thời gian, về chất lượng. Nếu không kiên trì, không đam mê, bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc.
Nghề dựng phim cũng không bao giờ dành cho những người cẩu thả, thiếu tính tỉ mỉ, bởi lẽ chỉ cần một sai sót nhỏ trong khâu hậu kì có thể làm ảnh hưởng đến toàn bộ chất lượng, nội dung phim. Hãy là một người dựng phim chuyên nghiệp, trách nhiệm nếu bạn muốn gắn bó lâu dài với công việc này.