Với những người mới làm video thì dựng phim thường là công đoạn “khoai” nhất. Khi ngồi vào bàn dựng, bạn không biết bắt đầu từ đâu? Nên lấy hình ảnh nào trước, hình ảnh nào sau? Cảnh quay nào nên giữ và cảnh nào nên bỏ?… Những khó khăn kể trên khiến bạn mất nhiều thời gian và cảm thấy mệt mỏi, không còn hứng thú với công việc.
Sau đây là một số mẹo dựng phim của những người làm truyền hình, tuy đơn giản nhưng lại rất cụ thể để bạn có thể áp dụng ngay. Năm chắc 8 kinh nghiệm này, công việc dựng phim của bạn sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Nội dung chính
- 1. Dựng khi bạn quay phim
- 2. Tư duy theo cụm cảnh
- 3. Làm việc có tổ chức
- 4. Chú ý tới lời bình
- 5. Sử dụng âm nhạc, tiếng động hợp lý
- 6. Khoảng lặng phù hợp
- 7. Giết hết những gì mình thương yêu
- 8. Mời mọi người xem video của bạn
1. Dựng khi bạn quay phim
Dựng khi quay phim hay còn gọi vừa quay vừa dựng là cách tốt nhất để “giảm tải” cho khâu hậu kỳ.
Thay vì quay lung tung chờ về cắt ghép lại, hãy quay theo đúng kịch bản. Cảnh nào trước quay trước, cảnh nào sau quay sau.
Các cảnh quay cần quay đúng trình tự: Toàn – Trung – Cận hoặc ngược lại.
Nếu bạn chưa hiểu rõ cách lấy khuôn hình, bố cục trong quay phim, tìm hiểu thêm tại đây.
Tóm lại các cảnh quay cần có sự linh động. Bạn cần hạn chế 2 cảnh toàn đặt liền nhau, 2 trung cảnh liền nhau, 2 cận cảnh liền nhau. Lý do khi đặt 2 hình ảnh có cùng cỡ cảnh liền nhau dễ dẫn tới hiện tượng giật hình.
Chú ý thời gian mỗi cảnh quay có thể xê dịch. Trong kịch bản là 3 giây thì bạn có thể quay từ 3-8 giây. Nên quay dài hơn để dễ cắt, chọn hình khi dựng.
Do đã quay theo đúng kịch bản nên khi dựng bạn gần như không phải cắt ghép, sắp xếp lại thứ tự các cảnh quay. Thường bạn sẽ chỉ cần cắt ngắn hoặc loại bỏ một số cảnh quay (nếu quá dài) và thêm hiệu ứng (nếu có) là xong.
2. Tư duy theo cụm cảnh
Một video có thể được chia làm nhiều phần. Mỗi phần gồm vài cụm cảnh. Một cụm cảnh là tập hợp của từ 3 – 10 cảnh quay. Giữa các cụm cảnh sẽ có một cảnh chuyển.
Khi dựng phim, bạn hãy đặt câu hỏi: Những cảnh quay cần có để tạo nên một cụm cảnh là gì?
Ví dụ như 4 cảnh quay dưới đây được sắp xếp thành một cụm hợp lý nên người xem dễ dàng hiểu được thông tin.
3. Làm việc có tổ chức
Công việc dựng phim, video sẽ cần rất nhiều tư liệu. Thậm chí có những đoạn video quay từ vài năm tới một lúc nào đó bạn lại cần dùng đến. Do vậy, hãy sắp xếp chúng một cách khoa học thành các thư mục trên máy tính.
Nếu kho tư liệu quá lớn, bạn có thể ghi chép vào sổ kèm theo chú thích như ngày, tháng, năm, nội dung… để khi tìm lại dễ dàng hơn.
Hãy hiểu rõ hình ảnh của bạn. Chỉ khi bạn biết mình có gì, bạn mới có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả.
Cuối cùng, nhớ backup dữ liệu định kỳ, nhất là với những tư liệu quan trọng.
4. Chú ý tới lời bình
Lời bình là nội dung người đọc bổ trợ thông tin cho hình ảnh. Đó cũng có thể là lời thoại, lời thuyết minh.
Một giọng đọc tốt, tròn vành, rõ tiếng sẽ “lọt tai” người nghe. Trái lại có thể phản tác dụng nếu giọng đọc quá tệ.
Giọng đọc có thể được cải thiện nếu luyện tập thường xuyên. Tuy nhiên, nếu giọng đọc không tốt, trước mắt bạn có thể chọn giải pháp bắn chữ hoặc chỉ sử dụng âm nhạc và tiếng động.
5. Sử dụng âm nhạc, tiếng động hợp lý
Việc sử dụng âm nhạc, tiếng động hợp lý sẽ đưa người xem tới những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Âm nhạc tạo ra trạng thái tâm lý và tiết tấu. Ví dụ, một đoạn video vui nhộn thường sử dụng cảnh quay ngắn (mỗi cảnh chỉ từ 2-3 giây, thậm chí 1 giây). Bản nhạc bạn chọn kèm theo cũng cần có nhịp độ nhanh, sôi nổi.
Tương tự, đoạn video miêu tả cảm xúc thường sử dụng các cảnh quay dài, quay chậm. Âm nhạc réo rắt như gieo vào lòng người.
Khác với âm nhạc, tiếng động lại khiến video của bạn trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Ví dụ tiếng mưa kêu lách tách, tiếng côn trùng kêu râm ran, tiếng gió thổi xào xạc… Tuy nhiên với những tiếng động “rác”, không có vai trò gì bạn cần thẳng tay loại bỏ để tránh mệt mỏi cho người xem. Ví dụ video coi như bị lỗi khi một người đang nói mà xung quanh ồn ào nhiều tạp âm hay tiếng chó sủa, trẻ em khóc…
Tóm lại, một người dựng phim giỏi cần biết hòa âm nhuần nhuyễn giữa tiếng nhạc, lời nói, tiếng động, hiệu ứng âm thanh.
6. Khoảng lặng phù hợp
Đừng nhồi nhét ngôn từ vào mọi khoẳng khắc của video như một người nói thao thao bất tuyệt. Đôi khi cần có những khoảng lặng, để hình ảnh và âm thanh tự kể chuyện.
Hãy đặt mình vào vị trí người xem để cảm nhận cảm xúc của họ.
7. Giết hết những gì mình thương yêu
Đôi khi bạn quay được một cảnh quay đẹp. Bạn tâm đắc tìm mọi cách đề nhét nó vào chỗ nào đó trong video, cho dù nó “vô duyên”.
Lời khuyên ở đây là hãy mạnh tay cắt bỏ những hình ảnh không đem lại ý nghĩa gì để làm câu chuyện hay ho hơn.
8. Mời mọi người xem video của bạn
Dựng phim xong bạn đừng vội xuất bản rộng rãi. Hãy mời bạn bè, người thân xem trước và xin ý kiến đánh giá từ họ. Bằng cách này bạn có thể phát hiện những điểm còn thiếu sót để chỉnh sửa – hoàn thiện tác phẩm hơn.
Trên đây là những nguyên tắc dựng phim đơn giản nhưng cực kỳ hữu ích. Tuy là những kinh nghiệm dựng phim phóng sự nhưng bạn hoàn toàn có thể áp dụng cho nhiều thể loại khác nhau. Kể cả làm video thông thường.
Chúc bạn thành công!