10 quy luật marketing bất biến dẫn đến thành công

Phải tiên phong, phải trở thành người dẫn đầu sẽ hiệu quả hơn trở thành người giỏi nhất – đó là 1 trong 10 quy luật marketing bất biến để giúp doanh nghiệp thành công.

Sau nhiều năm nghiên cứu và trải nghiệm thực tế, hai tác giả Al Ries và Jack Trout đã đúc kết được 22 quy luật bất biến trong marketing. Bạn sẽ thành công nếu biết vận dụng chúng một cách nghiêm túc.
Tôi xin trích đăng 10 quy luật bất biến trong tổng số 22 quy luật mà 2 nhà chiến lược marketing nổi tiếng, tác giả nhiều sách bán chạy nhất về marketing đã vạch ra:
1. Quy luật tiên phong:
Trở thành người dẫn đầu sẽ hiệu quả hơn trở thành người giỏi nhất
Vấn đề cơ bản trong marketing là tạo ra những chủng loại sản phẩm mới mà công ty của bạn là người đi đầu. Xuất hiện đúng thời điểm và ý tưởng không quá tồi. Khi đó, việc đi vào tâm trí khách hàng sẽ dễ hơn so với việc thuyết phục khách hàng là sản phẩm, dịch vụ của bạn tốt hơn người đi trước.
Trong môi trường cạnh tranh ngày nay, một sản phẩm ra đời với tinh thần “tôi cũng thế” sẽ có rất ít hy vọng trở thành một thương hiệu lớn, sinh lời.
Nếu muốn đưa thương hiệu đầu tiên của một chủng loại sản phẩm hoàn toàn mới ra thị trường, bạn phải chọn cho thương hiệu đó một cái tên dễ trở thành phổ biến.

Khi đã trở thành phổ biến, nhiều tên thương hiệu bắt đầu được sử dụng để chỉ cả dòng sản phẩm. Marketing là cuộc chiến về quan niệm, suy nghĩ, không phải là một cuộc chiến về chất lượng.

2. Quy luật chủng loại:

Nếu bạn không thể trở thành người tiên phong trong một chủng loại sản phẩm nào đó, hãy chọn một sản phẩm mới mà bạn có thể trở thành người tiên phong.
Nếu sản phẩm hay dịch vụ của công ty bạn không phải là thương hiệu đầu tiên đi vào tâm trí khách hàng, bạn hãy kiên nhẫn, tìm một mặt hàng hay sản phẩm khác.
Sau khi IBM thành công vang dội trong thị trường máy tính, bảy công ty khác đổ xô vào lĩnh vực này nhưng không thể cạnh tranh nổi.
Tuy nhiên, DEC cho ra đời máy tính mini và đã dẫn đầu lĩnh vực máy tính này. Dell bước chân vào lĩnh vực này là công ty đầu tiên bán máy tính qua điện thoại và đã có chỗ đứng vững chắc.
Điều này trái ngược hoàn toàn với tư duy marketing truyền thống là hướng vào thương hiệu. Nhưng lúc này bạn phải tạm quên về thương hiệu mà hãy nghĩ đến sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm mới lạ, chứ không phải là sản phẩm tốt hơn.
3. Quy luật ghi nhớ:
Được khách hàng nhớ đến đầu tiên sẽ hiệu quả hơn là xuất hiện đầu tiên trên thị trường
Việc xuất hiện sớm nhất trên thị trường chỉ quan trọng nếu điều đó cho phép thương hiệu của bạn được mọi người nhớ đến trước tiên. Quy luật ghi nhớ phát sinh từ quy luật nhận thức.
Bạn cần phải giành được chỗ đứng trong tâm trí của khách hàng trước khi giành chỗ đứng trên thị trường. Một khi tâm trí đã định hình điều gì thì khả năng thay đổi tâm trí vô cùng khó khăn, thậm chí hầu như không thể.
Khó khăn của Apple trong việc giành chỗ đứng trong tâm trí của khách hàng được giải quyết một phần nhờ cái tên đơn giản và dễ nhớ của nó, và nhất là nhờ nỗ lực marketing ở quy mô lớn.

Bạn cần phải có nguồn tài chính ổn định và tương đối để thiết kế và chế tạo sản phẩm, xây dựng hệ thống dịch vụ, tổ chức họp báo, tham dự triển lãm, chạy quảng cáo v.v… tìm mọi cách để đưa ý tưởng, hình ảnh thương hiệu vào tâm trí khách hàng tiềm năng.

4. Quy luật nhận thức:

Marketing không phải là cuộc chiến về sản phẩm mà là cuộc chiến về nhận thức
Tất cả những gì tồn tại trong thế giới marketing chỉ là nhận thức. Tất cả các thứ khác đều là ảo tưởng. Nhiều sai lầm trong marketing xuất phát từ ảo tưởng rằng chúng ta đang đua tranh về chất lượng sản phẩm.
Khách hàng Nhật nhận thức về xe gắn máy hiệu Honda là chất lượng chứ không phải là xe hơi hiệu Honda. Trái lại, nhận thức của khách hàng Mỹ là chất lượng xe hơi hiệu Honda rất đáng tin cậy.

Khách hàng cũng thường đưa ra những quyết định mua hàng dựa theo nhận thức của số đông ‘tất cả mọi người đều bảo như thế’. Cho nên, việc thay đổi nhận thức của khách hàng là một vấn đề. Việc nghiên cứu cơ chế hình thành nhận thức của khách hàng là việc quan trọng trong chương trình marketing.

5. Quy luật tập trung:

Vũ khí mạnh mẽ nhất trong marketing là gắn được một từ ngữ vào tâm trí khách hàng
Bạn mở đường vào tâm trí khách hàng bằng cách thu hẹp diện tập trung của khách hàng vào một điểm, một từ hay một cụm từ duy nhất nhưng phải cô đọng, súc tích mà mô tả được đặc tính sẵn có trong sản phẩm của bạn đồng thời hướng vào lợi ích của khách hàng.

Từ ‘Groupware’ (phần mềm nhóm) đã mang lại cho Lotus vị thế vững vàng lâu dài trong thị trường phần mềm cũng giống như từ ‘overnight’ (ý nói ‘ngay lập tức’) cho Federal Express và ‘safety’ (an toàn) cho Volvo.

6. Quy luật độc quyền:

Hai công ty không thể có chung một ấn tượng trong tâm trí khách hàng tiềm năng
Khi một công ty đã gắn được một từ hay một cụm từ vào sản phẩm của mình, chiếm được một vị trí nhất định trong tâm trí khách hàng thì thật là vô ích cho các đối thủ cạnh tranh khi họ nỗ lực để sở hữu từ hay cụm từ đó.
Volvo đã gây ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng với thuộc tính ‘safety’. Các công ty khác như Mercedes-Benz và GM cũng nỗ lực tổ chức những chiến dịch marketing nhấn mạnh tiêu chí “safety” nhưng không thành công.
Thuộc tính ‘nhanh’ đã thuộc về McDonald’s. Burger King tổ chức chiến dịch quảng cáo với khẩu hiệu ‘Best food for fast times’ (Thức ăn phù hợp nhất cho thời đại tốc độ) đã làm cho Burger King tuột dốc thê thảm.

Làm như vậy là vi phạm quy luật độc quyền và vô tình củng cố thêm vị thế của đối thủ cạnh tranh, làm nổi bật các tính chất ưu việt của họ hơn nữa.

7. Quy luật nấc thang:

Chiến lược bạn sử dụng tùy thuộc vào việc bạn đang ở nấc thang nào
Tất cả các sản phẩm đều ‘không được sinh ra bình đẳng’. Đối với mỗi chủng loại sản phẩm, tâm trí khách hàng lại đặt ra một thang sản phẩm khác nhau. Bạn phải biết được thương hiệu của bạn nằm ở nấc thang nào để có chiến lược marketing phù hợp.
Bản tính con người luôn kén chọn. Họ chỉ chấp nhận dữ liệu thông tin mới nếu dữ liệu đó phù hợp với thang chất lượng mà họ đặt ra.
Avis chỉ đứng thứ hai trong thị trường cho thuê xe. Họ nỗ lực quảng cáo: ‘Finest in rent-a-cars’ (dịch vụ cho thuê xe tốt nhất).

Khách hàng nghi ngờ suốt 13 năm liên tục, Avis đã tiêu tốn rất nhiều tiền nhưng không hiệu quả. Khi ITT mua lại Avis, họ thừa nhận vị trí của mình trên thang sản phẩm và thay đổi quảng cáo: ‘Avis sắp trở thành số 1’. Avis đã thành công.

8. Quy luật song đôi:

Cuối cùng, mọi thị trường đều trở thành một cuộc đua song mã
Lúc ban đầu, bất kỳ ngành hàng mới nào cũng là một chiếc thang nhiều bậc. Dần dần, chiếc thang này chỉ còn là sự cạnh tranh giữa 2 bậc trên cùng.
Ý thức được rằng marketing cuối cùng cũng sẽ là cuộc đua song mã có thể giúp bạn hoạch định chiến lược phát triển trong ngắn hạn.
Trước đây, Royal Crown tiến hành nâng cấp để diệt Coke và Pepsi, nhưng cuối cùng thương hiệu bị tiêu diệt lại là Royal Crown. Khi ở vị trí thứ ba, lẽ ra họ nên tìm một chỗ trú chân thích hợp, tập trung vào sản phẩm của mình để từng bước sinh lợi từ đó.

Hiện nay đang có 130 thương hiệu máy tính xách tay trên thị trường. Và quy luật song đôi dự đoán rằng rất ít thương hiệu trong số này có khả năng tồn tại lâu dài.

9. Quy luật đối nghịch:

Nếu bạn muốn nhắm vào vị trí thứ hai, chiến lược của bạn sẽ phụ thuộc vào người tiên phong.
Cho dù sản phẩm hay dịch vụ tiên phong có hùng mạnh đến mức nào, vẫn luôn có cơ hội cho một sản phẩm hay dịch vụ khác có thể xếp ở vị trí thứ hai lật ngược tình thế.
Bạn phải khám phá ra bản chất của sản phẩm tiên phong, sau đó hãy cung cấp cho khách hàng tiềm năng cái đối lập với bản chất đó. Nói cách khác, đừng cố gắng làm tốt hơn công ty đi trước bạn, mà cố gắng tạo sự khác biệt.
Nhưng bạn đừng ở mức đơn giản là chấm dứt cạnh tranh. Quy luật đối nghịch như một thanh kiếm hai lưỡi. Đầu tiên bạn tập trung nhấn mạnh vào điểm yếu của sản phẩm cạnh tranh sao cho khách hàng thừa nhận điểm yếu đó. Sau đó, hãy nhanh chóng lật lại lưỡi kiếm.
Những năm thành công của Burger King là những năm họ ở thế tấn công vào sản xuất hàng loạt và rán thịt (thay vì nướng thịt) như McDonald’s.

Nhưng sau đó họ bỏ qua quy luật đối nghịch, ngừng tấn công McDonald’s, lợi nhuận của Burger King sụt giảm và khó quay trở lại vị trí họ đã từng nắm giữ.

10. Quy luật phân chia:

Theo thời gian, một chủng loại sản phẩm sẽ phân chia và trở thành hai hoặc nhiều chủng loại

Thương trường được xem như một biển hàng hóa không ngừng mở rộng. Ban đầu, một ngành hàng chỉ gồm một loại sản phẩm duy nhất, nhưng theo thời gian, sản phẩm này sẽ tự chia nhỏ thành nhiều loại sản phẩm khác. Mỗi phân nhánh lại có thương hiệu đứng đầu riêng, thương hiệu này hiếm khi trùng với thương hiệu đứng đầu của chủng loại sản phẩm gốc.

Nhiều công ty đã sai lầm khi cố gắng lấy tên thương hiệu nổi tiếng của một chủng loại sản phẩm để sử dụng cho các sản phẩm khác.

Bạn nên nhanh chóng khai thác một chủng loại sản phẩm mới và sẵn sàng dành thời gian và cam kết theo đuổi cho đến khi chủng loại sản phẩm đó đủ mạnh để phát triển.
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Bài Liên quan

Hotline: 0984771144Facebook MessengerZalo: 0984771144
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x