Năm ngoái, có thể tóm gọn các hoạt động trong lĩnh vực truyền thông xã hội bằng cụm từ “tiếp thị trong thời gian thực, tiếp thị bằng nội dung, video và di động”. Vậy trong năm 2014 này, việc tận dụng mạng truyền thông xã hội phục vụ cho tiếp thị và kinh doanh sẽ ra sao?
Tạp chí Entrepreneur đã nêu dự báo những gì sẽ trở thành những xu hướng phổ biến nhất mà giới tiếp thị sẽ vận dụng trong năm nay. Mời độc giả cùng tham khảo.
Chuyển từ kể chuyện bằng hình ảnh sang video clip ngắn
Trong năm 2013, hình thức kể chuyện về doanh nghiệp, về sản phẩm hay dịch vụ bỗng trở nên phổ biến trên các trang mạng xã hội thông qua hình ảnh hay slide. Đặc biệt, sau sáu tháng đầu năm đã bắt đầu có sự cách tân khi hình thức kể chuyện được thực hiện bởi những đoạn video clip ngắn gọn, súc tích và đầy ấn tượng. Hiện tượng đó có khả năng trở thành một trong những hình thức tiếp thị quan trọng nhất trong năm 2014.
Những nền tảng như ứng dụng Vine trên Twitter hay đoạn video 15 giây trên Instagram, nhất là khi Facebook đã cho phép cập nhật tin bằng video clip giúp mọi người đều có thể tạo ra và chia sẻ những nội dung clip của mình. Vì thế, vấn đề của các nhà tiếp thị không chỉ là hiểu được những nền tảng ấy hoạt động ra sao, mà còn phải biết được những người sử dụng cảm nhận hình thức trình bày nội dung mới đó như thế nào.
Giới doanh nghiệp sẽ cần đến fandom
Tom Fishman – Phó chủ tịch nội dung tiếp thị và gắn kết người hâm mộ của kênh giải trí MTV chính là người đầu tiên dùng khái niệm fandom để chỉ nhóm những fan hâm mộ cuồng nhiệt trong tập hợp đông đảo khách hàng. Đó là những người sẵn sàng làm mọi hoạt động quảng bá cho thần tượng của họ và vô tình trở thành đại sự quảng bá hình ảnh thương hiệu của một cá nhân hay một tổ chức.
Trong năm 2014, cùng với sự hỗ trợ của truyền thông xã hội, giới doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc xác định và gắn kết chặt chẽ với các fandom. Không chỉ đơn giản tạo ra kết nối, doanh nghiệp còn phải cung cấp cho họ những công cụ để hỗ trợ họ lan truyền thông tin về doanh nghiệp trên mọi nẻo đường của truyền thông xã hội.
Google+ sẽ tiếp tục tăng trưởng cả về quy mô và tầm quan trọng
Mới đây, Google cho biết rằng mạng xã hội Google+ của họ đang có khoảng 300 triệu thành viên kích hoạt sử dụng. Trong khi đó, Facebook có khoảng 1,2 tỉ người sử dụng, còn Twitter có khoảng 232 triệu thành viên. Không chỉ trở thành một nền tảng miền cộng đồng phổ biến hơn, Google+ tương tác cùng cỗ máy tìm kiếm Google và Google Authorship sẽ trở thành một bộ công cụ hữu ích của người sử dụng mạng trong 2014. Nói cách khác, các doanh nghiệp sẽ tích cực sử dụng và hiện diện trên Google+ để cải thiện vị trí của họ trong kết quả tìm kiếm của Google.
Các doanh nghiệp sẽ tập trung hơn vào bối cảnh
Trong năm 2013, giới doanh nghiệp đã tập trung vào việc tạo ra nội dung (content) vì cho rằng “nội dung chính là vua tiếp thị”. Do đó, tại hầu hết các thị trường, giới doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng những cụm từ tiếp thị bằng nội dung có cả lý thuyết lẫn ứng dụng. Trong năm 2014, nhu cầu của việc đưa ra nhiều mẫu nội dung để tiếp thị có xu hướng giảm đi tầm quan trọng và các doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc tạo ra nội dung mang tính phù hợp với bối cảnh (context) của các kênh trong mạng xã hội mà họ đang sử dụng.
Các nhà quản trị thương hiệu sẽ phải tự hỏi: “Vì lý do gì mà một số người chỉ sử dụng một số trang mạng xã hội nhất định, chẳng hạn có những người rất hay dùng Facebook, trong khi số khác lại thích xem hình bằng Instagram hoặc Pinterest?”. Điều quan trọng là phải biết được điều gì tạo nênmột kênh xã hội độc đáo. Theo đó, họ sẽ tạo ra những mẫu nội dung mang tính chất phù hợp với bối cảnh dựa trên sự tìm hiểu thấu đáo những mong muốn của đông đảo người tham gia các mạng xã hội.
Sẽ có nhiều doanh nghiệp chấp nhận thuê quảng cáo trên mạng xã hội
Những thay đổi mới đây trong thuật toán News Feed của Facebook có khả năng quyết định những gì mọi người thấy và không thấy được trong phần News Feed (tin tức cập nhật) đã hạn chế rất nhiều tầm với đến người xem của những mẫu đăng tải cơ bản. Vì đã có quá nhiều thương hiệu đang sử dụng Facebook để tiếp thị nên việc trả phí để quảng cáo trên mạng xã hội đang trở thành đòi hỏi mà các doanh nghiệp phải chấp nhận nếu muốn nội dung đăng tải của mình dễ dàng được những người hâm hộ tìm thấy.