Những chuyên gia marketing thông minh đều hiểu được tầm quan trọng của việc đón đầu làn sóng thay đổi trong kinh doanh. Nếu không sẵn sàng “lướt sóng” để mang đến những giá trị lớn lao cho công ty, thị phần của họ sẽ bị nuốt chửng bởi các đối thủ khác.
Với 30 kinh nghiệm tư vấn thương hiệu cho lãnh đạo các công ty toàn cầu như Procter & Gamble, Kraft Foods, General Motors, The Wall Street Journal, Coca-Cola… chuyên gia marketing Avi Dan chia sẻ 6 dự báo về xu hướng marketing năm 2015.
1. Minh bạch hóa:
Minh bạch sẽ trở thành công cụ quan trọng nhất trong marketing tương lai. Trong năm tới, những thương hiệu tốt nhất sẽ không còn là những doanh nghiệp (DN) kể những câu chuyện hay ho, hấp dẫn nhất về công ty. Thay vào đó sẽ là những thương hiệu có thể truyền tài chính xác bức tranh về tính năng sản phẩm, dịch vụ đang cung ứng cho nhu cầu của khách hàng.
Hiện đa số các DN đều gặp khó khăn hoặc chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc minh bạch thông tin trong xây dựng lòng tin với khách hàng. Vì vậy, lợi thế kinh doanh thuộc về những DN nhanh nhạy thay đổi đầu tiên.
2. Đơn giản hóa:
Hầu hết các công ty đang tạo ra những hình ảnh phức tạp rối rắm về công ty, dù rằng bối cảnh thị trường đã đủ phức tạp. Để tối ưu hóa trải nghiệm và gia tăng sự gắn kết của khách hàng, các giám đốc marketing (CMO) cần đơn giản hóa mọi thứ và dồn tâm suy nghĩ về mục tiêu, giá trị, tầm nhìn của công ty trong một thông điệp có thể truyền tải cho cả các đối tác liên quan.
3. Kết hợp marketing và công nghệ thông tin:
Chúng ta sẽ chứng kiến sự sáp nhập giữa các chuyên gia marketing và công nghệ thông tin. Ngày nay, các công ty đề cập rất nhiều đến cụm từ “digital marketing”. Song, điều DN thực sự cần quan tâm chính là làm marketing trong thế giới công nghệ.
Những nhà marketing giỏi nhất trong thế giới hiện tại chính là những người am hiểu công nghệ thông tin. Hoặc, ngược lại, những nhân sự phụ trách IT trong doanh nghiệp cần được trang bị kiến thức về marketing.
Các nhân sự marketing và IT cần tham gia cùng nhau trong những buổi thảo luận nhằm xây dựng và cập nhật các ứng dụng công nghệ phù hợp cho chiến lược marketing của DN.
4. Nhanh cập nhật, nhạy thay đổi:
Môi trường mạng xã hội hiện nay đã tạo ra những khách hàng có lối suy nghĩ tức thời và nhu cầu phức tạp, thay đổi liên tục. Vì vậy, các nhà marketing gần như phải bám sát theo những nút“thích”, “chia sẻ” hay những dòng trạng thái của người tiêu dùng trong ngày để tìm ra nhu cầu thực sự của khách hàng mục tiêu.
Môi trường mạng xã hội đồng thời cung ứng kho dữ liệu lớn (Big data) cho marketing, nhưng ngược lại cũng đòi hỏi những người làm marketing cần có khả năng theo kịp sự thay đổi, nắm bắt vấn đề trong thời gian ngắn và luôn luôn sẵn sàng cho việc phân tích thị trường.
Thay vì tập trung vào chiến lược marketing hàng tháng, hàng ngày, giờ đây các nhà marketing phải cập nhật hàng giờ mới mong là người chiến thắng.
5. Cá nhân hóa thay toàn cầu hóa:
Marketing sẽ nhấn mạnh vào tính cá nhân hóa thay vì toàn cầu hóa như trước đây. Ngày nay, công nghệ thông tin gắn kết thế giới thành một làng, nhưng marketing thì lại có xu hướng đi sâu vào từng nhóm cộng đồng khu vực, truyền tải các thông điệp đậm tính địa phương, thậm chí là cá nhân hóa hơn đến khách hàng của mình.
Cá nhân hóa không phải là một xu hướng mà đây sẽ là định hướng cho các công ty trong đề ra chiến lược quảng bá và quản trị các thương hiệu toàn cầu.
6. Xây dựng thương hiệu nội bộ:
Truyền thông sẽ tập trung vào hướng truyền thông nội bộ. Các công ty sẽ hướng nhiều sự quan tâm hơn đến môi trường truyền thông nội bộ.
Đây là thách thức chính và cũng là cơ hội để DN tạo ra những “đại sứ thương hiệu” nội bộ, để các nhân viên và đối tác kinh doanh có thể hiểu được thương hiệu cũng như tầm nhìn, chiến lược của công ty.