Quảng cáo trên di động là mảnh đất vô cùng màu mỡ và rất “hot” trong thời gian gần đây. Nguyên nhân trực tiếp tạo ra xu hướng này xuất phát từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường smartphone và hàng loạt các phiên bản website dành cho điện thoại di động ra đời.
Theo báo cáo mới nhất từ IAB, doanh thu toàn cầu của hình thức quảng cáo này đạt ngưỡng $5,3 tỷ trong năm 2011 và có thể tăng trưởng tới $11,6 tỷ vào năm nay. Nổi bật trong xu hướng này là hình thức quảng cáo tìm kiếm và quảng cáo hiển thị (banner,video, rich media). Còn tại Việt Nam, tính đến cuối tháng 12/2011, Việt Nam đã có hơn 16 triệu thuê bao di động 3G, tăng hơn 3,2 triệu so với thống kê vào tháng 01/2012 (theo Bộ TT&TT). Dự đoán, trong tương lai gần, con số này sẽ lên tới 30 triệu. Trên đây chỉ là một trong những dấu hiệu tích cực cho thấy: sự phát triển của xu hướng quảng cáo trên di động là tất yếu.
Xu hướng quảng cáo tương tác trên mạng xã hội (MXH)
Nếu như trước đây, nhiều nhà tiếp thị cho rằng, MXH không phù hợp với các thương hiệu lớn do MXH thường hướng tới đa số khách hàng phổ thông, còn các sản phẩm danh tiếng lại chỉ dành cho thiểu số. Thì ngày nay, một kết quả khảo sát chỉ ra rằng: nhiều thương hiệu sang trọng cũng rất tích cực đầu tư cho các hoạt động tiếp thị trên MXH. Ví dụ như Mercedes, Buberry cũng bắt đầu xâm nhập vào các MXH: Facebook, Twitter, YouTube để tung ra chương trình tiếp thị số đông và tăng cường tương tác với người dùng.
Theo một cuộc khảo sát từ Alterian, nhiều công ty đang sử dụng MXH để thu hút khách hàng mới và nâng cao nhận thức về thương hiệu. Khảo sát này thăm dò ý kiến 400 giám đốc marketing cấp cao từ các thương hiệu lớn và thu được kết quả: 30,1% cho rằng thu hút khách hàng là mục tiêu quan trọng nhất trong tiếp thị qua MXH và 26,5% để tăng cường nhận thức về thương hiệu. Có đến 90% ý kiến tán thành việc phối hợp truyền thông xã hội trong chiến lược tiếp thị là rất quan trọng đối với các thương hiệu lớn trong giai đoạn hiện nay.
Xem xét trên thị trường Việt Nam, tuy xu hướng này đã có được bước khởi đầu thuận lợi song chưa tạo nên đột phá. Chỉ có khoảng 1% các doanh nghiệp chú trọng đến MXH như Coca Cola Việt Nam, Converse Việt Nam, Megastar,…. Ngoài ra, đầu tư đang ở mức dè dặt, ngắt quãng tùy thời điểm/chiến dịch.
Quảng cáo video trực tuyến liệu có thể soán ngôi truyền hình?
Nhiều chuyên gia dự đoán, việc video quảng cáo trực tuyến soán ngôi quảng cáo trên truyền hình chỉ còn là vấn đề thời gian. Các chuyên gia quảng cáo tại Mỹ cho biết: quảng cáo video trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến với thế mạnh trong việc định hướng người xem. Cụ thể, khoảng 2/3 (64 %) chuyên gia cho biết họ đang chuyển ngân sách quảng cáo từ truyền hình sang quảng cáo video trực tuyến; cứ 10 chuyên gia thì lại có 6 người khẳng định video trực tuyến có hiệu quả ngang ngửa hoặc hơn quảng cáo truyền hình (theo kết quả khảo sát của BrightRoll).
Bên cạnh đó là hàng loạt các ưu thế vượt trội của quảng cáo video trực tuyến như: độ phủ, hình thức đa dạng – liên tục đổi mới, nội dung phong phú, tiết kiệm chi phí, khả năng sử dụng lại sản phẩm sáng tạo… Cũng trong khảo sát của BrightRoll, độ phủ được đánh giá cao với (23%) ý kiến tán thành, kế đến là dạng thức của đơn vị quảng cáo (11%), tiết kiệm chi phí hơn so với quảng cáo truyền hình (10%) và khả năng sử dụng lại sản phẩm sáng tạo (10%).
Hiện nay, TVC online là cách gọi quen thuộc của quảng cáo video trực tuyến tại Việt Nam. Hình thức quảng cáo này tuy mới xuất hiện nhưng được đánh giá là đầy tiềm năng, thu hút rất nhiều công ty quảng cáo đầu tư khai thác.
Xu hướng đa dạng hóa hình thức quảng cáo hiển thị thương hiệu
Chỉ trong vài năm gần đây, từ một thị trường quảng cáo trực tuyến còn non trẻ, tẻ nhạt với một vài hình thức quảng cáo banner thông thường, quảng cáo trực tuyến Việt Nam đang ngày càng phong phú, đa dạng, với nhiều chọn lựa mới như: CPM, CPC …Trong đó, nếu xét theo tiêu chí quảng bá thương hiệu thì các hình thức quảng cáo CPM được đánh giá là lựa chọn tối ưu để thay thế hình thức quảng banner CPD truyền thống.
Thực tế, hiện nay, trên thế giới, hình thức quảng cáo CPM đã thay thế vị trí thống lĩnh của hình thức quảng cáo hiển thị thương hiệu CPD, bởi những ưu điểm vượt trội: tối ưu hóa ngân sách, vận hành và phủ rộng trên một mạng lưới website đa dạng, tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu theo website/vùng miền…
Mặc dù chưa thực sự chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhưng quảng cáo CPM hiện rất được các thương hiệu lớn nắm bắt và khéo léo vận dụng tùy theo chiến lược quảng cáo thương hiệu. Đặc biệt, đối diện với những biến động kinh tế tài chính, cùng ưu điểm về tối ưu hóa ngân sách quảng cáo, CPM sẽ nhanh chóng chiếm được cảm tình của phần đông các doanh nghiệp Việt Nam còn lại.
Nguồn: BrandsVietnam